Nước, Biểu Tượng Của Đạo

Nước, Biểu Tượng Của Đạo


Nước, một trong những hình thái vật chất thiết yếu nhất của cuộc sống, được các bậc thánh triết của Đạo gia xem như hình ảnh biểu tượng của Đạo. Nước có nhiều tính chất đặc biệt khiến nó trở thành một hình thái vật chất "độc nhất vô nhị" trên quả đất. Chúng ta có thể quan sát những động thái của nước để từ đó tìm hiểu những động thái của Đạo.

Nước không màu, trong suốt, phản chiếu ánh sáng lại cho phép ánh sáng xuyên thấu. Giống như hư không, nước có khả năng dung chứa và thẩm thấu gần như hoàn hảo. Khi bị khuấy động, nước nổi sóng cuốn bụi trần và hóa đục, khi sóng yên gió lặng, nước thả bụi trần lắng xuống đáy rồi nước lại trong suốt. Tâm hồn con người cũng thế. Khi lo lắng hay bận rộn vì công việc, tâm hồn sẽ bị khuấy động bởi vô số ý nghĩ, năng lực nhận thức sẽ bị phân tán và rối loạn khiến sự việc trước mắt trở nên mù mờ đi. Trang Tử viết: "... Người ta không soi bóng vào một dòng nước chảy mà vào một dòng nước đứng. Vậy thì chỉ có cái gì ngưng lặng mới làm cho người khác ngưng lặng được... Nước thật yên lặng thì mực nước bình, vì vậy nó có thể làm chuẩn tắc cho mọi việc..." Đạo gia khuyên ta nên giữ tâm hư tĩnh cốt để giữ thần trí sáng suốt, người ta chỉ có thể ngộ được Đạo khi tinh thần đạt đến mức bình lặng hoàn toàn.

Nước rất linh động, có thể thích ứng với mọi hình thức của vật chứa, nhưng cũng rất ổn định. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài; nước vẫn là nước, không thể đánh mất đi bản chất của nó. Gặp lạnh thì đông cứng, gặp nóng thì bốc hơi; nước vẫn là nước, không hề thay đổi tính chất hóa học của nó. Đạo cũng thế, hòa hợp muôn vật mà không dừng lại ở một hình thái cố định nào cả, lưu chuyển biến hóa không ngừng mà đức của nó chẳng hề suy suyển. Kẻ đắc Đạo sống trong đời, cách ứng xử của họ linh động và biến hóa như nước vậy; tri mệnh an thời, ứng cơ lợi vật mà chẳng hề mê mờ thiên tánh.

Nước dường như dịu mềm nhưng năng lực của nó vô cùng to lớn - vô số lòng sông, khe suối trên quả đất này là bằng chứng cho sức mạnh vĩ đại của nước. Lão Tử tán dương năng lực của nước như sau: "Thiên hạ nhu nhược, mạc quá ư thủy, nhi công kiên cường giả, mạc chi năng thắng, kỳ vô dĩ dị chi. Nhu thắng cương, nhược thắng cường. Thiên hạ mạc năng tri, mạc năng hành". (Vạn vật dưới trời, không gì mềm yếu hơn nước, mà xét sức công phá thì không gì có thể hơn nó được, không gì thay thế nó được. Mềm thắng cứng, yếu thắng mạnh. Dưới trời không ai biết, không ai có thể làm được). Xét theo lẽ đó, cái dụng của đức nhu thuận thật to lớn; nhu thuận không chỉ là mềm yếu mà còn là kiên định, là tri thức minh triết xuất phát từ cuộc sống hòa hợp với Đạo.

Nước có khuynh hướng chảy dồn về chỗ thấp, tái lập thế quân bình, thể hiện đức huyền đồng của Đạo. Lão Tử viết: "Thượng thiện nhược thủy, thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh, xử chúng nhân chi sở ố, cố cơ ư Đạo... Phù duy bất tranh, cố vô vưu". (Bậc thượng thiện giống như nước, nước hay làm lợi cho vạn vật mà không tranh, ở chổ mà người người đều ghét, nên gần với Đạo. Ôi, vì không tranh, nên không sao lầm lỗi). Lên trên làm mưa móc, xuống dưới làm sông lạch, nước tưới gội và thấm nhuần vạn vật, không thiên lệch cũng không cạnh tranh (nhu thuận). Bậc thánh nhân đắc Đạo giống như nước, "bất cảm vi thiên hạ tiên, cố năng thành khí trưởng", khiêm hòa và lặng lẽ ứng cơ lợi vật, thành tựu đạo hạnh của mình.

Hãy học cách sống trong đời ung dung tự tại như nước chảy, linh động mà không biến chất, nhu thuận mà kiên định, khiêm hòa mà đức độ. Đó là cách sống hòa hợp với tự nhiên và rất gần với Đạo.

Bạn có thể thích những bài đăng này