Tề vật luận

Tề vật luận

A. Nam Quách Tử Kỳ ngồi dựa ghế, ngửa mặt hà hơi, bơ phờ như người mất hồn.

Nhan Thành Tử Du đứng hầu trước mặt, thấy vậy, hỏi: “Sao mà hình hài có thể khiến được như cây khô, còn lòng thì có thể khiến được như tro lạnh? nay người ngồi trên ghế có còn phải là người ngồi trên ghế trước đây nữa không?”

Tử kỳ nói: “Yển! Câu hỏi của ngươi đâu phải là không đúng! ta nay đã mất bản ngã rồi, ngươi có biết chăng? Ngươi chỉ nghe tiếng sáo của người mà chưa nghe tiếng sáo của đất. Ngươi chỉ nghe tiếng sáo của đất mà chưa nghe tiếng sáo của trời.”

Tử Du nói: “Dám hỏi dùng phương chi nói để cho tôi hiểu được?”


Tử Kỳ nói: “Hơi thở của đại khối, gọi là gió. Nó không nổi lên thì thôi. Nó mà nổi lên thì muôn lỗ hổng gào thét lên, riêng ngươi chẳng nghe nó ào ào đó hay sao? Mấy chỗ sâu hõm của núi rừng, những bọng của cây to trăm vòng, như mũi, như miệng, như tai, như xà, như vành, như cối, như ao sầu, như vũng cạn… khi thì rập nhau la lối, nạt nộ, gầm thét, khi lại bỏ giọng rù rì, nỉ non, than thở. Tiếng trước xướng lên, tiếng sau họa lại. Gió hiu hiu thì là tiểu hòa; gió vụt vụt thì là đại hòa. Đến khi gió lặng, thì các khiếu đều êm. Riêng ngươi không thấy cành lá còn rung động đó hay sao?”
Tử Du nói: “Tiếng sáo Đất là tiếng hòa của muôn khiếu. Tiếng sáo của người là tiếng hòa của ống trúc. Dám xin hỏi thế nào là tiếng sáo của Trời?”

*

B. Tử Kỳ nói: “Kìa như gió thổi khiến muôn tiếng không đồng nhau vang lên, nhưng mà lại khiến cho nó tự ngưng đi, hoặc tự nổi lên, là gì đấy? Biết một cách bao trùm rộng rãi, đó là hạng đại trí; biết một cách chia lìa vụn vặt, đó là hạng tiểu trí. Lời nói tổng hợp thị phi; đó là đại ngôn, lời nói chi li biện-biệt, đó là tiểu ngôn. Khi ngủ thì tinh thần giao nhau (làm một). Khi thức, thì tinh thần bị ly khai (vì chạy theo sự vật bên ngoài). Tiếp lẫn nhau, gọi là “cấu” (hợp nhau làm một); tán mạn ra, gọi là “tâm đấu” (lòng bị chia lìa chống đối nhau). Lòng phải rộng, sâu và dè dặt. Dè dặt là cái nhỏ mà phân biệt sanh, tử; dè dặt cái lớn là xem sanh tử bằng nhau. Người đời bày cuộc bắn bia mà định thị phi, bày tờ khế ước mà phân thắng bại. Lòng người mãn tranh đấu cho thị phi lần đầu hao mòn, bị giết như thu đông giết thảo mộc. Họ đắm đuối trong việc làm đó, không làm sao cho lòng họ phục nguyên lại được. Đè nén như giam nhốt, như đè nén lời nói . Cái lòng gần chết, không sao khiến nó nóng lại được.

Nhưng mà mừng giận, thương vui, phản phúc, kinh sợ, phù phiếm, phóng túng, tình dục mở rộng… đều như tiếng nhạc do chỗ hư không mà phát lên, như đám nấm trong chỗ ẩm ướt mà sanh ra. Ngày và đêm, tiếp nhau mà hiện ra trước mặt, ai biết được đầu mối nó nơi đâu? Ôi! Ôi! Một sớm một chiều, ai biết được từ đâu mà sanh ra?

Không có đó, không có đây. (Nhưng nếu) không có đây thì biết lấy đâu làm chỗ căn cứ! Lý ấy đâu có xa xôi gì! Nhưng mà không rõ ai xui như thế? Dường như có đấng Chân-tể, nhưng mà không thấy được dấu vết của Đó. Đấng ấy có tình mà không có hình. Trăm xương chín khiếu, sáu tạng, riêng biệt ra thì không thành một thân thể; nên phải có cái “hiệp” nó lại kia mới thành một thân thể được. Thần thiếp riêng biệt ra, không đủ sức trị lẫn nhau nên không thể thành một môn hộ; nên phải có cái hiệp nó lại, mới thành một môn hộ, quân thần riêng biệt ra thì không thành một quốc gia, nên phải có cái “hiệp”cả hai lại mới thành một quốc gia. Cái mà hiệp đặng làm nên một thân thể, một môn hộ, một quốc gia, “cái đó” không bớt, cũng không thêm cho thân thể, cho môn hộ, cho quốc gia, ta gọi nó là “Tình”. Có kẻ nhận cái “hình” do đó gây ra, không quên cho đến ngày cùng tận của nó, rồi đâm chém nhau, hại lẫn nhau, mà không biết dừng, chẳng cũng đáng buồn sao? Có kẻ trọn đời làm mãi mà không thấy thành công, mệt mỏi mà không biết đâu là chỗ về, cũng chẳng đáng thương xót sao? Người ta bảo như thế mà không chết có ích gì không? Hình nó hóa đi, tâm nó cũng một thế, cũng chẳng đáng xót xa lắm sao?

Đời người mờ mịt, há phải riêng ta mờ mịt, còn kẻ khác không mờ mịt hay sao? Như biết lấy cái tâm đã thành của mình làm Thầy, thì ai là chẳng có Thầy? Cái tâm thành đã sẵn có, sao còn tìm cái chi nữa mà thế nó? Kẻ ngu cũng có nó. Chưa thành được mà lòng đã có chứa thị phi, thì có khác nào hôm nay sang nước Việt mà đã đến từ hôm trước rồi! Như vậy, tức là lấy cái không có làm cái có. Lấy cái không có làm cái có, thì tuy có Thần Võ cũng không biết được, riêng ta có làm thế nào được!
C. Lời, không phải như gió thổi: Lời phải có nói lên một cái gì. Nếu chỗ nói của nó mà chưa định, thì lời nói ấy quả đã có nói không. Hay là chưa có nói gì cả? Lời nói chưa định ấy, khác nào tiếng chim con: chưa có biết biện biệt hay không biện biệt? Đạo, sao dựa vào chân hay ngụy; lời, sao dựa vào thị hay phi? Đạo, sao qua mà không còn; lời, sao còn mà chẳng nói được? Đạo, ẩn trong tiểu thành; lời, ẩn nơi vinh hoa. Bởi vậy mới có cái phải, quấy của Nhu Mặc. Nhu Mặc thì lấy Phải làm Quấy, lấy Quấy làm Phải. (Nhưng) nếu muốn thấy được cái Phải trong cái Quấy, cái Quấy trong cái Phải, thì không có gì bằng dùng đến ánh sáng (của Đạo). Vật, không vật nào là không phải “đó”, không vật nào là không phải “đây” . Lấy chỗ nhận thấy của người mà thấy, thì không thấy; lấy chỗ biết của mình mà biết, thì mới biết. Nên mới có nói rằng: “Đó”, do đây mà ra; “đây”, nhân “đó” mà có. “Đó đây”, ấy là thuốc của “phương sinh”. Nên mới có nói Sống, nói Chết, nói Chết, nói Sống, nói được, nói không được, nói không được, nói được. Nhân có Phải, nhân có Quấy; nhân có Quấy, nhân có Phải (mà cãi nhau).

Thánh nhân thì không căn cứ vào Phải Quấy, mà căn cứ vào khiếu biết tự nhiên của mình để hiểu mọi vật. Và cũng do “đây”trước. “Đây”, cũng là “Đó”, mà “Đó” cũng là “Đây”. “Đó” cũng có một lẽ Phải Quấy của “Đó”; mà “Đây” cũng có một cái lẽ phải quấy của “Đây”. Quả có “đó đây” chăng? Quả chẳng có “đó đây” chăng? Đó và Đây mà không gặp chỗ lứa đôi (đối-đãi) của nó, thì gọi là Cốt Đạo (Đạo Xu). Cốt ấy khởi đầu nơi trung tâm của cái vòng tròn (hoàn trung), và căn cứ vào đó để mà ứng đối vô cùng (với Thị Phi). Phải, cũng là một cái lẽ vô cùng. Quấy, cũng là một cái lẽ vô cùng . Bởi vậy mới nói: đâu bằng dùng lấy ánh sáng của Đạo.

Lấy ngón tay mà thí dụ rằng ngón tay không phải là ngón tay, sao bằng lấy cái không phải là ngón tay để mà thí dụ rằng ngón tay không phải là ngón tay.

Lấy con ngựa mà thí dụ rằng con ngựa không phải là con ngựa, sao bằng lấy cái không phải là con ngựa để mà thí dụ rằng con ngựa không phải là con ngựa. Trời Đất khác nào ngón tay nói trên. Vạn vật khác nào con ngựa nói trên.

Được là được. Không được là không được. Con đường có đi mới thành đường đi, vật có gọi được tên mới thành là vật. Sao là phải vậy? Phải vậy là vì phải vậy. Sao là không phải vậy? Không phải vậy, là vì không phải vậy. Vật, có chỗ là phải vậy. Vật, có chỗ là được vậy. Không vật nào là không phải vậy; không vật nào là không được vậy. Cho nên mới có so sánh cọng cỏ với cột trụ, một người đàn bà xấu xí với Tây Thi; khoan đại, kỳ biến, gian trá, quái dị, thảy đều là một.

Có phản “nó” ra thì “nó” mới “thành”. Có “thành” thì mới có “hoại”. Phàm vật mà không “thành”, nên không “hoại” thì mới có thể “trở về”mà cùng thông với lẽ Một (của Đạo). Chỉ có bậc đạt Đạo mới thông hiểu được lẽ Một ấy mà thôi: Họ dùng đỡ cái dung mạo (bên ngoài) để hòa với mọi người. “Dung”, tức là “dụng”; “dụng”, tức là “thông”. Mà “thông”, tức là “đắc” vậy. Vui trong chỗ “đắc” ấy, ít ai được. Nhân tới đó mà “thôi đi”. “Thôi đi”, mà cũng không cần phải biết vì sao mà phải vậy, thì gọi là Đạo. Lao nhọc thần minh vì chấp nhất (trong một cái Phải hay cái Quấy nào) mà không biết trông thảy đều đồng nhau. Nên mới gọi là “sớm ba”.

Sao gọi là “sớm ba”? Có lão nuôi khỉ, phát khoai cho khỉ, nói: “Sớm ba, mà chiều bốn!” Khỉ đều giận. Lão lại nói: “Thôi, sớm bốn mà chiều ba”! Khỉ đều mừng. Số cho không thay đổi, danh và thực không thiếu, vậy mà, cái dụng ý của nó lại có mừng có giận. Bởi vậy, bậc Thánh nhân, vì sự hòa bình mà phải nói đến thị hay phi, rồi đứng yên ở cốt trục của “bánh xe Trời” (Thiên Quân): đó gọi là “lưỡng hành”.

D. Người xưa, cái biết của họ có chỗ cùng cực. Sao gọi là cùng cực? Có kẻ cho rằng thuở ban đầu chưa hề có vật gì cả, đó là một chủ trương cực đoan cùng tận, không thể còn nói gì thêm được nữa. Có kẻ thì cho rằng đã có vật rồi, nhưng vật ấy chưa từng chia phân. Lại cũng có kẻ cho rằng đã có vật rồi, nhưng vật ấy đã lại có chia phân. Thị Phi mà bị chia phân rõ rệt ra rồi, thì Đạo mới có chỗ khuyết. Đạo mà có chỗ “khuyết” (vì không đủ) mới có tạo thành ra chữ “ái” (để mà hòa hợp lại). Quả có “khuyết” có “ái” chăng? Quả không có “khuyết”, không có “ái” chăng? Bởi thấy có “khuyết” có “ái”, họ Chiêu mới khảy cầm. Không có “khuyết” có “ái” thì họ Chiêu khảy cầm làm chi?

Có Chiêu văn khảy cầm, Sư Khoáng mới lập luật định ngũ âm, Huệ tử mới giảng âm luật. Chỗ biết của ba người này có là bao nhiêu mà thiên hạ đều hoan nghênh cho đến đời cuối cùng này mà luật ấy hãy còn thịnh hành? Chỗ ưa thích của họ đâu có giống với chỗ ưa thích của chúng nhân. Muốn đem cái chỗ không sáng của mình mà soi sáng cho kẻ khác, nên suốt đời cam chịu tối tăm vì câu chuyện “kiên bạch”. Họ thử đem ngón đàn hay của họ mà truyền dạy cho con họ, trọn đời biết có truyền dạy được không! Nếu mà họ truyền đạt được, thì ta đây cũng truyền dạy được. Bằng họ truyền dạy không đặng, thì ta đây cũng truyền dạy không được. Cho nên chỗ mà bậc thánh nhân mong mỏi là được ở trong cái ánh sáng mập mờ (của cái nhìn tổng quát hỗn hợp), không dùng phép tắc của ai cả, chỉ dùng cái lý thông thường của mọi người để xử sự với đời. Đó gọi là mượn lấy ánh sáng của người vậy.

Đ. Ví như nay có người hỏi rằng: không rõ chữ “đó” có giống với chữ “đây” chăng; hay không giống với chữ “đây” chăng? Giống và không giống, hay cùng là một giống với nhau, thì là bên này không có gì khác với bên kia nữa. Tuy vậy, còn có nhiều danh từ thông thường mà ý nghĩa tương phản, ta cũng cho nó giống nhau được nữa chăng? Như những danh từ sau đây: “hữu thủy”, “hữu vị thủy hữu thủy”, “hữu vị thủy hữu phù vị thủy”, “hữu hữu”, “hữu vô”, “hữu vị thủy hữu vô”, “hữu vị thủy hữu phù vị thủy hữu vô”. Thoạt trông qua mà “có” là đã “không” rồi, nhưng cũng chưa rõ là có hay không? Và quả có cái gì là có, có cái gì là không hay chăng? Nay thì ta cũng đã có nói rồi, nhưng chưa biết rõ điều ta nói đó quả đã có nói không, hay chưa có nói không?

Dưới trời không có gì lớn bằng cọng lông mùa thu, mà không có gì nhỏ bằng núi Thái; không có gì thọ bằng đứa bé chết yểu, mà không có gì yểu bằng ông Bành Tổ.

Trời Đất cùng ta đồng sinh, và vạn vật cùng ta là một. Đã là một rồi, thì nói ra có được không? Đã gọi là một rồi, thì không nói ra có được không? Một và lời là hai. Hai với một là ba. Từ ba trở lại một, bậc gọi là xảo lịch còn không hiểu được thay, huống chi là kẻ tầm thường! Cho nên, từ chỗ “không” mà sang chỗ “có”, còn phải đến số ba, huống chi từ chỗ có mà sang chỗ có? Không phải sang qua đâu cả, chỉ nên theo chỗ có đấy là đủ.

Vả, Đạo chưa hề có khu vực; lời nói chưa hề có định thức. Có cho đây là Thị, thì mới có sự chia phân thị với phi thành từng khu vực. Vậy, xin bàn về khu vực ấy: có mặt, có trái, có luận, có nghĩa, có phân, có chia, có cạnh, có tranh, đó gọi là “bát thức”. Phần ngoài của “lục hợp”, thánh nhân để yên mà không luận đến. Phần trong của “lục hợp”, thánh nhân luận đến mà không bàn. Lịch sử đời Xuân Thu của các Tiên vương, thánh nhân bàn đến mà không chê khen biện luận. Cho nên tuy có phân chia mà không phân chia; biện bác mà không biện bác. Sao vậy? Là vì thánh nhân thì ôm giữ, chúng nhân thì biện bác để mà khoe khoang. Nên mới có lời nói này: “hay biện phân, thì có chỗ không thấy rõ được”. Vả, “đại Đạo” thì không xưng tên; “đại biện” thì không có lời; “đại nhân” thì không thương ai; “đại liêm” thì không nhún nhường; “đại dũng” thì không làm hại ai. Đạo mà sáng thì không phải Đạo; lời mà rõ ràng thì không tới chốn, nhân mà thường thì không nên việc; liêm mà thanh thì không thể tin; dũng mà hại người thì không nên việc. Năm điều ấy tròn mà thành vuông. Cho nên, biết dừng chỗ mà mình không thể biết, là đến chốn rồi vậy. Có ai biết được cách biện biệt mà không dùng đến lời, nói mà không cần phải nói ra lời? Nếu có kẻ biết được, kẻ ấy gọi là “Thiên phủ” (kho trời) đổ vô mãi mà không đầy, rót ra mãi mà không cạn, nhưng không biết do đâu mà đến. Nên mới gọi là “che ánh sáng” (bảo quang).

Cho nên ngày xưa Nghiêu hỏi Thuấn:

- “Ta muốn phạt Tông, Khoái, Tư Ngao, ngảnh mặt sang Nam mà không thấy lòng khoan khoái. Như thế là cớ làm sao?”

Thuấn nói:

- “Như ba người ấy (vua của ba nước ấy) khác nào sống ở giữa cỏ bồng cỏ ngãi. Nhà Vua sao lại không thấy lòng khoan khoái? Xưa kia, mười mặt trời cùng mọc, muôn vật đều được soi sáng, huống chi cái Đức của người còn hơn mặt trời!”

E. Khiết Khuyết hỏi Vương Nghê:

- Ông biết chỗ đồng phải giống nhau của mọi vật không?

- Ta biết đâu việc đó.

- Ông biết chỗ mà ông không biết không?

- Ta biết đâu việc đó.

- Vậy thì, mọi vật, cũng không biết gì cả hay sao?

- Ta biết đâu việc đó. Tuy vậy, ta thử nói xem sao. Biết đâu cái mà ta gọi là biết, lại chẳng phải là cái mà ta không biết? Biết đâu cái mà ta gọi là không biết lại chẳng phải là cái mà ta biết? Vả, ta đã từng thử hỏi ngươi: người nằm trong chỗ ẩm thấp thì sanh ra đau lưng và tê liệt một bên mình; con cá chạch thì có sao không? Người ở trên cây run rẩy sợ sệt; còn loài khỉ vượn thì có sao không? Ba loài ấy, ai biết chỗ ở nào là chỗ ở chính? Con người thì ưa ăn thịt thà, hươu nai thì thích ăn cỏ non; rết thì cho rắn con là ngon; chim mèo chim cú thì nghiện ăn chuột bọ. Bốn loài ấy, ai biết vị ăn nào là chính vị? Vượn và khỉ theo với nhau, nai và hươu cùng với nhau, chạch và cá lội với nhau. Mao Tường, Lệ Cơ, người thấy thì cho là đẹp, mà cá thấy thì lặn sâu, chim thấy thì bay cao, hươu nai thấy thì chạy dài. Bốn loài ấy, ai biết sắc đẹp nào là chính sắc trong thiên hạ?

Tự mà xem, thì đầu mối của nhân nghĩa, đường nẻo của thị phi rối loạn lung tung, ta làm sao biết đâu mà phân biện.

Khiết Khuyết nói: “Ông không biết lợi hại, còn bậc chí nhân cũng không biết lợi hại nữa hay sao?”

Vương Nghê nói: “Chí nhân là bậc thần: chầm lớn cháy, không thể làm cho đó nóng, sông Hà sông Hán đặc mà không thể làm cho đó lạnh; sét đánh vỡ núi; gió dậy biển cả cũng không làm cho đó sợ. Người như thế thì theo hơi mây, cỡi mặt trời mặt trăng mà rong chơi ngoài bốn biển, chết sống còn không làm cho người họ điên đảo phương chi là mối lợi hại?”
G. Cù Thước hỏi Trường Ngô:

- Tôi nghe nơi ông rằng thánh nhân không bận đến việc đời; không tìm lợi; không lánh hại; không tha thiết đến việc gì; cũng không quấn quít với Đạo; có nói (mà như) không có nói; không nói (mà như) đã nói; tha hồ rong chơi ngoài bụi bặm (của cuộc đời). Thầy tôi cho đó là lời nói vu vơ, còn tôi, thì lại cho đó là cái hạnh của kẻ đã nhập diện nơi Đạo rồi vậy. Ý ông như thế nào?

Trường Ngô nói:

- Đó là điều mà Hoàng đế nghe còn nghi ngờ thay, ông Khưu làm gì đủ để mà hiểu được. Vả, ngươi cũng đoán hơi sớm lắm: vừa thấy trứng gà là đã mong được nghe tiếng gà gáy, vừa thấy viên đạn là đã mong được ăn chim nướng. Nay ta thử vì ngươi nói bậy mà nghe, còn ngươi cũng nghe bậy mà chơi. Làm thế nào để dựa kề nhật nguyệt, nhập cùng vũ trụ, xáo trộn cả thị phi, quý tiện, vượt muôn tuổi mà ôm giữ cái chỗ thuần nhất bất biến.
H. Hiểu tận vạn vật rồi, mới thấy nó thuần nhất. Ta sao biết ham sống chẳng phải là lầm? Ta sao biết sợ chết lại chẳng là mê, mà không biết cho đó là con đường về?

Lệ Cơ, con của một vị phong nhân xứ Ngại, gả cho Vua nước Tấn. Khi về nhà chồng, lụy ướt đầm bâu. Kịp khi đến hoàng cung, cùng vua đồng sàng, nếm mùi sô hoạn, rồi lại hối hận giọt lệ ngày xưa. Ta biết đâu kẻ chết lại không hối hận vì mình đã mong được sống thêm?

Có kẻ chiêm bao cười giữa tiệc, tỉnh giấc khóc trong lòng. Hoặc chiêm bao buồn khóc, khi tỉnh giấc như vui săn. Lúc chiêm bao không biết chiêm bao, khi tỉnh giấc mới hay là mộng cả. Chỉ có bậc đại giác mới biết cuộc đại mộng đó thôi. Nhưng mà kẻ ngu lại tự cho họ là tỉnh, rồi họ cũng tin thật rằng họ là bậc vua chúa, hay họ là kẻ chăn ngựa! Gàn thay, ông Khưu cùng ngươi đều chiêm bao cả! Lời nói ấy, gọi là lời “điếu quỷ” (quái gở)! Sau muôn đời, may mà gặp được bậc đại thánh biết cách giải nghĩa của nó ra, thì trong một sớm một chiều sẽ ngộ nó được vậy.

Nếu ta nói với ngươi, cùng tranh biện: ngươi thắng được ta, ta không thắng được ngươi, vậy ngươi hẳn là đã phải, mà ta hẳn là đã quấy chưa? Nếu ta thắng được ngươi; ngươi không thắng được ta, vậy ta hẳn là đã phải, mà ngươi hẳn đã là quấy chưa? Hay là, khi thì phải, khi thì quấy hay sao? Hay là, cả hai chúng ta đều phải cả, hoặc cùng quấy cả hay sao? Ta và ngươi không thể biết được nhau, thì người người đành phải chịu tối tăm rồi! Ta phải nhờ ai chính lại việc ấy? Nhờ kẻ đồng với ngươi thì làm sao chính được việc đó! Cậy người đồng với ta để chính lại việc đó ư? Nó đã đồng với ta thì làm sao chính được việc đó? Cậy người khác với ta và khác với ngươi, để chính lại việc đó ư? Nó đã khác với ta và khác với ngươi, thì làm sao chính lại được việc đó? Cậy người đồng với ta và đồng với ngươi để chính lại việc đó ư? Nó đã đồng với ta và đồng với ngươi thì làm sao chính được việc đó? Vậy thì ta với ngươi cùng với người đó đều không thể biết nhau được, sao phải chờ người đó làm gì?

Sao gọi là hòa hợp với thiên nghê? Là phải mà cũng là chẳng phải; phải vậy mà cũng là chẳng phải vậy. Cái phải của ngươi, nếu quả thực là phải, thì cái phải đó có khác gì cái không phải, cho nên cũng không biện được. Cái phải vậy của ngươi, nếu quả thực là phải vậy, thì cái phải vậy đó có khác gì cái không phải vậy, thành ra cũng không biện được. Hóa ra thảy đều là đối đãi, nếu muốn không đối đãi chi bằng hòa hợp với tự nhiên (thiên nghê), nhân đó mà lời nói của ta đặng vĩnh cửu. Quên sống chết, quên phải quấy là suốt thông lẽ hư vô (vô cảnh), nên gửi mình vào cõi hư vô (vô cảnh).

I. Bóng lu hỏi bóng tỏ: “Nãy anh đi, giờ anh đứng. Nãy anh ngồi, giờ anh dậy. Sao anh không có nết riêng?”
Bóng tỏ nói: ta có phải nương chờ mà như thế chăng? Hay là chỗ ta nương chờ lại còn phải nương chờ nơi chỗ khác mà như thế chăng? Ta phải nương chờ, như vảy rắn cánh ve chăng? Sao biết sở dĩ nó là thế? Sao biết sở dĩ nó không phải là thế?

K. Xưa Trang-Châu chiêm bao thấy mình là bướm, vui phận làm bướm, tự thấy thích chí, không còn biết có Châu nữa. Chợt tỉnh giấc, thì lại thấy mình là Châu. Không biết Châu chiêm bao là bướm, hay bướm chiêm bao là Châu? Châu và bướm ắt phải có tánh phận khác nhau. Đó gọi là Vật hóa.

(Trang tử Nam Hoa Kinh - Nguyễn Duy Cần dịch và bình chú)

Bạn có thể thích những bài đăng này