Nguyễn Duy Cần

Tiểu sử: Nguyễn Duy Cần (1907-1998), hiệu Thu Giang, là một học giả, nhà biên khảo và trước tác kỳ cựu vào bậc nhất Việt Nam giữa thế kỷ 20. Ông nổi bật không chỉ về số lượng tác phẩm đồ sộ mà còn ở độ sâu của học thuật và sức ảnh hưởng về mặt tư tưởng đến các tầng lớp thanh niên trí thức của ông

Thân thế và cuộc đời:
Ông sinh ngày 15 tháng 7 năm 1907 tại làng Điều Hoà, tổng Thuận Trị, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang).
Không có nhiều thông tin về cuộc đời và sự học của ông. Có lẽ ông tự học, thể hiện qua tác phẩm "Tôi tự học". Một vài thông tin khác cho biết ông từng làm giáo sư kiêm Hiệu trưởng một trường Trung học tư thục tại Sài Gòn, nhưng không thể kiểm chứng được.
Sự nghiệp nghiên cứu và trước tác của ông bắt đầu từ năm 1931 với việc xuất bản quyển Triết học đầu tiên "Toàn chân", gây nên một cuộc bút chiến sôi nổi trên báo Mai. Trong những năm sau đó, ông tiếp tục cho xuất bản các tác phẩm khá đều đặn. Năm 1937, ông tham gia xuất bản nguyệt san "Nay". Năm 1941, ông làm chủ bút báo Tiến và năm 1944, chủ bút báo Thanh niên, sau đó còn làm chủ bút báo Tự do.
Sau khi Chiến tranh Đông Dương nổ ra, năm 1946, ông lánh nạn lên Sài Gòn, ổ ẩn để tiếp tục viết sách. Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh, việc xuất bản các tác phẩm của ông bị gián đoạn mãi đến năm 1951 mới bắt đầu trở lại với tác phẩm "Cái dũng của Thánh nhân". Từ đó về sau ông tiếp tục cho xuất bản các tác phẩm khá đều đặn cho đến tận năm 1975. Ngoài việc trước tác và tham gia viết báo, ông từng là giáo sư của trường Đại học Vạn Hạnh và là Trưởng ban Triết Đông của Đại học Văn khoa Sài Gòn.
Những năm cuối đời, ông không tiếp tục viết sách mà lui về ở ẩn. Năm 1991, ông chuyển về sống ở quận Bình Thạnh và mất tại đây vào năm 1998, để lại cho đời nhiều bộ sách có giá trị.

Tác Phẩm:
Sinh thời, ông viết rất nhiều sách, chủ yếu là sách biên khảo, nghệ thuật sống và Đạo học. Các tác phẩm của ông được viết ra không phải với mục đích “sống bằng ngòi bút” như phần lớn các nhà nghiên cứu thời đó mà với ông một tác phẩm ra đời nó phải từ một đòi hỏi bức thiết của cuộc sống, nó đang thiếu thốn, nhân sinh đang đợi chờ[2]. Điều đáng tiếc là có nhiều tác phẩm của ông chưa công bố, bị thất lạc hoặc chưa được hoàn thành. Mặc dù vậy, những tác phẩm đã xuất bản của ông thường được tái bản nhiều lần và luôn được các thế hệ bạn đọc đón nhận.
Theo thống kê không đầy đủ, các tác phẩm đã xuất bản của ông bao gồm:
Duy tâm và duy vật 1935
Toàn chân triết luận 1936
Thanh dạ Văn chung 1939
Cổ nhân 1940
Cái dũng của Thánh nhân 1951
Óc sáng suốt 1952
Thuật tư tưởng 1953
Thuật xử thế của người xưa 1954
Trang Tử tinh hoa 1956
Lão Tử tinh hoa
Văn minh Tây phương và Đông phương 1957
Tôi tự học 1960
Thuật Yêu đương 1960
Lão Tử Đạo đức Kinh 1960
Một nghệ thuật sống 1960
Cái cười của Thánh nhân
Tinh hoa Đạo học Đông phương
Phật học tinh hoa
Nhập môn Triết học Đông phương[3]
Văn hóa Giáo dục miền Nam Việt Nam 1970
Dịch học tinh hoa
Để trở thành nhà văn
Tâm sự người xưa
Đạo học Đông phương trong xã hội ngày nay
Thuật dưỡng sinh của Đông phương Đạo học
Chu Dịch huyền giải
Liệt Tử Xung hư chân kinh
Chu Dịch tường giải
Tử vi bí kiếp
Thiền đạo Trung Hoa