Hư Không, Chỗ Dụng Của Đạo

Hư Không, Chỗ Dụng Của Đạo


Hư không vốn là môi trường của những tiềm năng chưa phát huy. Nói một cách khác, hư không là chỗ dùng của Đạo. Xây tường, dựng cửa cốt để ngăn phòng, nhờ khoảng không gian bên trong mới có được làm chỗ dùng của phòng. Nhồi đất, ép khuôn để làm chén bát, nhờ khoảng không gian lõm ở giữa mới có được chỗ dùng của chén bát. Bởi thế, Lão Tử nói: "Hữu chi dĩ vi lợi, vô chi dĩ vi dụng" (Lấy cái có để làm cái lợi, lấy cái không để làm cái dụng).

Cái dụng của hư không vốn xuất phát từ cái đức dung chứa của nó. Phàm khi ta rót nước vào bát, đầy bát thì nước tràn; khi nào lòng bát còn trống, khi ấy tiềm năng dung chứa của bát vẫn còn có thể phát huy(1). Cái đức dung chứa của một vật thể có hạn lượng còn như thế, huống chi là cái đức của Đạo cả, bao trùm toàn bộ vũ trụ bao la. Lão Tử nói: "Huyền tẫn(2) chi môn, thị vi thiên địa căn, miên miên nhược tồn, dung chi bất cần (Cửa của huyền tẫn, gốc rễ của trời đất. Dằng dặc như còn hoài, dùng hoài mà không hết).

Cái dụng của hư không là vô tận. Vì thế kẻ sống theo Đạo cần phải giữ lòng mình như hư không (hư tâm), điềm đạm, nhu thuận và lặng lẽ, hòa hợp với Đạo. Hư tĩnh, điềm đạm và vô vi là con đường trở về cái gốc hư không thuần phác và bản nhiên của vạn vật - Đạo hiển hiện ở đó, Thiên chân cũng hiển hiện ở đó. Tinh hoa của bao kinh sách Đạo gia, đích đến của bao phương pháp tu luyện "tinh, khí, thần" đều quy cả về cái gốc hư không thuần nhiên ấy. Lão Tử nói: "Trí hư cực, thủ tịnh dốc; vạn vật tịnh tác, ngô dĩ quan phục. Phù vật vân vân..., các phục quy kỳ căn. Quy căn viết tịnh, thị vi Phục mạng, Phục mạng viết Thường" (Đến chỗ cùng cực hư không, là giữ vững được cái tịnh; vạn vật đều sinh ra, ta thấy chúng trở về cội gốc. Ôi! Muôn vật trùng trùng... đều trở về cội rễ của chúng. Trở về cội rễ, gọi là tịnh, ấy là thuận theo Mệnh, thuận theo Mệnh gọi là đạo Thường).

Hư không là cốt lõi, cũng là chỗ đồng nhất của vạn vật. Thực ra, mối sự vật trong vũ trụ này đều hiện hữu như là thành phần của một tổng thể, chiếm một phần không gian và có một ý nghĩa (hay chức năng) nhất định đối với tổng thể ấy. Về phần mình, vũ trụ tổng thể cũng có một ý nghĩa nhất định đối với mỗi sự vật thành phần của nó. Hư không dung hợp tất cả lại với nhau trong một mối tương giao tiên nguyên huyền nhiệm. Nguyên lý tương giao ấy là Đạo.

Ghi chú:

(1) Đó là hệ quả của một quy luật cơ bản của Đạo. Đó là luật Quân Bình. Lão Tử nói: "Thiên chi đạo. Tổn hữu dư nhi bổ bất túc" (Đạo Trời: bớt chỗ dư bù chỗ thiếu).
(2) Có nghĩa là mẹ nhiệm mầu, tức là Đạo. Có sách chú giải rằng Huyền là Trời thuộc dương, Tẫn là Đất thuộc âm.
 Nước, Biểu Tượng Của Đạo 

Bạn có thể thích những bài đăng này